HƯỚNG DẪN CHỌN VẢI MAY ÁO SƠ MI

Lựa chọn loại vải để may một chiếc áo sơ mi phù hợp với từng hoàn cảnh có thể hơi khó đối với bạn. Nhưng khi bạn hỏi chính mình những câu hỏi đơn giản và tích lũy cho mình những kiến thức cơ bản về các loại áo sơ mi, việc lựa chọn áo sơ mi công sở, áo sơ mi sự kiện… sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

 

Hãy bắt đầu bằng việc hỏi chính mình bằng những câu hỏi sau:

– Bạn dự định mặc chiếc áo sơ mi đó ở đâu? Áo sơ mi lễ cưới? Sơ mi công sở thời trang? Hay một bữa vui chơi với bạn bè dưới phố?

– Bạn muốn chọn loại vải sợi nhẹ hay bạn cần một thứ gì đó chắc chắn? Bạn có thích áo sơ mi với phần cổ mềm mại, hay một kiểu vải khác cứng hơn?

– Quan trọng nhất là bạn muốn chi bao nhiêu cho chiếc áo sơ mi này?

Để trả lời được những câu hỏi trên, bạn cần có chút kiến thức về vải sợi. Mỗi loại vải sợi có thể được phân nhóm bằng cách xác định 2 thuộc tính: kiểu dệt và sợi vải.

 

I. Kiểu dệt

Hầu hết tất cả các loại vải sợi được phân loại thành 4 cách dệt chính: broadcloth, oxford, pinpoint và Twill. Loại vải bạn chọn sẽ tùy thuộc vào dịp bạn mặc chiếc áo sơ mi và sở thích riêng của bạn.

Các loại vải:

1.     Broadcloth

Được biết đến với tên gọi khác là vải poplin, đây là vải may áo sơ mi cổ điển. Vải broadcloth được dệt đơn giản bằng đường dệt lên và xuống và cơ bản là được bện chặt hơn bởi những sợi vải tốt hơn để cho sản phẩm mượt và mềm mại. Vải broadcloth có bề mặt láng hơn vải Pinpoint và Oxford và cũng vì lý do đó nó thích hợp cho các sự kiện trang trọng. Vải Broadcloth nhìn chung sẽ nhẹ hơn và nhìn sẽ đẹp hơn.

2.    Oxford

Vải Oxford thường gắn liền với các trang phục thường ngày bởi vì nó được làm từ những sợi vải thô hơn và bền hơn. Vải Oxford được dệt với dạng rổ với nhiều sợi vải đan xem lẫn nhau trên 2 chiều dọc và ngang. Vì sử dụng chất liệu sợi vải rẻ tiền hơn nên vải Oxford dễ mua hơn. Một chiếc áo sơ mi vải Oxford thực sự không phải là lựa chọn sán suốt cho một cuộc dạo chơi buổi tối hoặc dành cho trang phục công sở, nhưng lại rất thích hợp cho dịp cuối tuần. Vải Oxford rất bền và sẽ mềm hơn qua thời gian.

3.    Pinpoint

Vải pinpoint hay còn gọi là pinpoint oxford, vải pinpoint sử dụng kiểu dệt dạng rổ, giống như vải Oxford, nhưng sử dụng sợi vải tốt hơn có thể thấy trong vải Broadcloth. Kết quả là sự kết hợp giữa 2 loại vải có thể được sử dụng trong các dịp trang trọng hoặc mặc thường ngày. Do tính linh động của nó, pinpoint là lựa chọn tốt trừ khi bạn thích một cái gì đó đặc biệt hơn. Vải pinpoint thường nặng hơn vải Broadcloth và nhìn rất bắt mắt.

4.    Twill

Vải Twill (bao gồm herringbone và houndstooth, được thiết kế sử dụng kiểu dệt Twill) được sản xuất bằng kiểu dệt đặc biệt tạo ra các đường chéo sọc nổi. Do các sọc chéo nổi, vải Twill thường mềm hơn, ít nhăn và dễ ủi hơn. Nhược điểm của loại vải này là khó giặt hơn nếu bạn làm ố vải và nhìn ít bắt mắt hơn các loại vải Broadcloth hay Pinpoint. Vải Twill là một lựa chọn tốt nếu bạn thích vải mềm mại hơn và nặng hơn. Cũng giống như vải Pinpoint, vải Twill thích hợp cho các dịp trang trọng hoặc mặc thường ngày.

II.    Đặc tính của sợi vải

Thỉnh thoảng, các nhà bán lẻ lớn như Banana Republic sẽ đính nhãn trên các sản phẩm áo sơ mi của họ với các dòng chữ như “100’s 2 lớp cotton”. Đối với hầu hết mọi người, những ghi chú này nghĩa là gì vẫn là một ẩn số. Những ghi chú này nhằm truyền đạt đến bạn rằng “đây là sản phẩm tốt”, nhưng nó cũng đơn giản là mô tả loại sợi dùng để dệt chiếc áo sơ mi. Sợi vải được mô tả bởi 2 đặc tính: Số lượng sợi và số lớp.

1.    Số lượng sợi vải (Yarn Number)

Con số này mô tả độ dày của sợi vải – con số thấp thể hiện sự dày hơn, sợi vải chắc khỏe (bắt đầu từ 24) và số càng lớn thì sợi vải càng mảnh, sợi vải tốt hơn (số từ 200 trở lên). Do sợi vải mảnh hơn chỉ có thể được sản xuất từ sợi cotton mềm nhất và dài nhất, áo sơ mi may bằng vải có số sợi cao hơn thường đắt tiền hơn.

2.    Số lớp (Ply)

“2 lớp” đề cập đến việc xoắn 2 sợi vải lại với nhau thành 1 sợi duy nhất trước khi dệt. Vải làm từ 2 lớp sợi thường có chất lượng tốt hơn và bền hơn vải dệt từ sợi đơn. Do sợi vải được dệt theo 2 hướng (lên và xuống hoặc dọc và ngang), nên chúng ta ghi nhãn trên áo sơ mi với các mô tả về số lớp như sau:

–    2 x 2 : 2 lớp cho sợi ngang và sợi dọc

–    2 x 1 : 2 lớp cho 1 hướng, 1 lớp cho hướng còn lại

–    1 x 1 hoặc “đơn”: sợi đơn cho 2 hướng

3.    Một số cân nhắc khác

Ngoài các tiêu chí trên bạn có thể tham khảo thêm một số thông tin khác được ghi trên mẫu vải như thành phần sợi vải (blend); cấu trúc dệt (construction).

a. Thành phần sợi vải (blend)

Ví dụ trong mẫu vải trong hình blend ghi là poly/vis nghĩa là thành phần vải là poly và viscose. Ký hiệu 65/35 là tỷ trọng giữa các chất liệu, trong trường hợp này 65% là poly và 35% là viscose. Các thành phần như poly, viscose, rayon là các loại sợi nhân tạo thường dùng hiện nay.

b. Cấu trúc dệt (construction)

– Ngoài các trường hợp như đã nêu ở mục 2, trên một số loại vải còn nêu cấu trúc dệt. ví dụ trong hình cấu trúc dệt ký hiệu 30/2PV x 150/2P nghĩa là sợi ngang: 150/2P là sợi đôi với thành phần là 100% poly và chỉ số se sợi là 150. Sợi dọc 30/2PV nghĩa là Poly pha Viscose và chỉ số se sợi là 30, đồng nghĩa với việc sợi dọc sẽ thô hơn sợi ngang (dọc 30 – ngang 150)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *